1. Sổ đỏ bị rách có sao không?
Sổ đỏ hiện nay chưa có một văn bản nào quy định khái niệm cụ thể. Thực tế sổ đỏ là thuật ngữ được sử dụng để gọi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” căn cứ dựa vào màu sắc bên ngoài của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Căn cứ tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 đã nêu rõ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy sổ đỏ có giá trị pháp lý rất cao, có giá trị pháp lý thể hiện ở tài sản được ghi nhận bao gồm quyền sử dụng đối với đất và quyền sở hữu đối với nhà ở, tài sản gắn liền trên đất. Do vậy, nếu sổ đỏ bị rách thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, cụ thể khi tham gia các giao dịch liên quan đến thửa đất, tài sản gắn liền trên đất như chuyển nhượng mua bán, tặng cho hay thế chấp với ngân hàng,… nếu sổ đỏ bị rách rất có thể sẽ không được chấp nhận và không thể công chứng, chứng thực các hợp đồng liên quan đến thửa đất đó; ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của chủ sở hữu.
2. Sổ đỏ bị rách có cấp lại được không?
Căn cứ tại Điều 76 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định về cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trong các trường hợp sau:
– Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
– Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng
– Do đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất
– Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng
Theo đó, với trường hợp sổ đỏ bị rách hoàn toàn có thể được cấp lại sổ đỏ mới.
3. Hồ sơ, thủ tục cấp lại sổ đỏ trong trường hợp bị rách:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gồm có:
– Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp
– Bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi dồn điền đổi thửa, đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng
Bước 2: Nộp hồ sơ:
– Người dân có nhu cầu cấp đổi sổ đỏ, sổ hồng bị rách nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu
– Hoặc nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; nơi chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
– Trong trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ
– Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin và trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ
– Cơ quan đăng ký đất đai có trách nhiệm phải thực hiện các công việc sau đây:
+ Kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận
+ Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
+ Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai
Bước 4: Trao kết quả:
Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Thời gian giải quyết:
Căn cứ tại Khoản 40 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP quy định thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận được quy định như sau:
– Cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là không quá 07 ngày; trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 50 ngày. Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã.
Lệ phí giải quyết cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Lệ phí cấp đổi Giấy chứng nhận do HĐND cấp tỉnh quy định nên mỗi địa phương có mức thu khác nhau. Tuy nhiên mức thu trung bình dưới 100.000 đồng.