Hơn 300 triệu/m2 đất trên con phố ‘không thể làm gì, suốt ngày đóng kín cửa’

Một Phút

Người dân gọi đây là ‘phố nát hay phố bất động’ bởi nằm cạnh công trường, nơi thi công dang dở rồi dừng nhiều năm, nơi làm làm hầm chui ngổn ngang vật liệu và ngập bùn đất. Đó là đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng ra đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ). Người dân sống ở đây không thể làm gì ngoài việc suốt ngày đóng kín cửa.

Đường vành đai 2,5 Hà Nội là tuyến giao thông đường bộ phụ trợ tuyến đường vành đai 2 và đường vành đai 3 của Hà Nội, dài khoảng 30km, đi qua các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Tuyến nằm hoàn toàn trong nội đô Hà Nội.

Trên tuyến này, dự án xây dựng đường Vành đai 2,5, đoạn từ Đầm Hồng – Quốc lộ 1A được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010. Dự án có chiều dài 2,06km, rộng 40m với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.

Dự án thi công từ tháng 3/2014, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng, đến nay, công trình vẫn còn dang dở khi mới chỉ đạt 87% khối lượng. Việc này đã gây ảnh hưởng không ít đến đời sống, kinh tế của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, vào tháng 10/2022, UBND thành phố Hà Nội đã khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình hầm chui tại nút giao đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, với quy mô gồm 4 làn xe, tổng chiều dài hầm 400m, trong đó, 140m hầm kín và 320m hầm hở. Bên cạnh hầm chui chính, chủ đầu tư dự án cũng sẽ thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ khác. Thời gian thi công là 30 tháng.

Sau hơn 1 năm thi công, công trình cơ bản đã thành hình. Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều hạng mục thi công dang dở.

Dưới đây là một số hình ảnh tuyến đường hơn 10 năm chưa xong của Hà Nội:

Một đoạn thuộc dự án Đầm Hồng – Quốc lộ 1A  dọc theo khu đô thị Định Công tới Đầm Hồng đã cơ bản hoàn thành. 

 

Do vướng giải phóng mặt bằng, đến nay, công trình vẫn còn dang dở khi mới chỉ đạt 87% khối lượng. 

 

Trong khi đó, công trình hầm chui đoạn tại nút giao đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng được khởi công vào tháng 10/2022. 

 

Các hộ gia đình đang sinh sống ở hai bên công trình đang chịu ảnh hưởng bởi khói bụi mù mịt mỗi khi có xe máy, ô tô đi qua.

 

Ông Sự (một trong những hộ dân sinh sống tại đây) chia sẻ, các hộ dân ở đây đều phải đóng kín cửa hàng vì bụi. “Phố này gọi là “phố nát hay phố bất động” bởi vì không có ai kinh doanh được gì. Dù có người ở nhà nhưng vẫn phải đóng kín cửa hàng ngày”, ông Sự nói.

 

Các nhà dân ở đây luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. 

 

Sau khi có dự án, việc giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều vướng mắc trong việc đền bù. Đáng chú ý, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dự án, tuy nhiên những gia đình ở mặt tiền của dự án vành đai 2,5 sau khi giải toả cũng được hưởng lợi bởi giá đất ở đây tăng chóng mặt. 

 

Theo lời ông Sự, mảnh đất phía sau hàng rào tôn có mặt tiền vành đai 2,5 hơn 5m, với diện tích gần 100m2, đang được chủ rao bán với giá 30 tỷ đồng, tương đương hơn 300 triệu đồng/m2.

 

Trong khi đó, do nằm trong diện giải toả, hộ gia đình này đã bị lấy gần hết diện tích đất ở, mặc dù chỉ còn lại vài m2 nhưng vẫn được chủ hộ ra giá lên tới 1,7 tỷ đồng. 

 

Máy móc và vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang tại dự án.

 

Cũng thuôc dự án vành đai 2,5, nằm cách công trình hầm chui không xa là dự án đoạn Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) – Đầm Hồng chưa thể triển khai do gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

 

Do dự án chưa được triển khai, một phần của dự án đang được sử dụng để kinh doanh sân bóng từ nhiều năm nay.

 

Công trình thì ‘bất động’, còn máy móc ‘chất đống’.