Nhân phẩm là một khái niệm rất trìu tượng, không thể nhìn thấy cũng chẳng thể chạm vào, nhưng nó thực chất có tồn tại. Vào một thời khắc quan trọng nào đó, nó có thể trở thành vé thông hành của chúng ta, quyết định một người có thể tiến bao xa.
Người xưa có câu: “Cây dời thì chết mà người dời thì sống”. Thực ra cũng không đến nỗi như vậy.
Cây dời chỗ chưa chắc đã chết. Người dời tổ chưa hẳn sẽ khá hơn. Nếu vấn đề nằm ở phần gốc rễ, ở chính bản thân, người dù có dời đến đâu cũng chỉ là vô ích.
Đối với nơi làm việc mà nói, thái độ làm việc chính là gốc rễ. Một khi phương diện này có vấn đề, ta khó có thể tiến xa hơn được.
Thái độ làm việc của một người thường ẩn chứa trình độ và cốt cách của người đó. Câu nói này hoàn toàn không hề vô căn cứ.
Lý do cụ thể, chúng ta hãy chú ý lắng nghe những điều sau nhé:
1. Thái độ đối với công việc, có thể nhìn thấu cốt cách của một người.
Ở nơi làm việc, những người có cốt cách lề lối khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau thì thái độ của họ đối với công việc cũng rất khác nhau.
Người có cốt cách càng lớn, suy nghĩ càng chín chắn thì khi làm việc sẽ càng nghiêm túc, trách nhiệm.
Vậy theo mọi người cốt cách là gì?
Cốt cách thực chất là tầm nhìn của một người. Cốt cách càng lớn thì càng có khả năng nhìn xa trông rộng, còn những người có cốt cách nhỏ hẹp hơn thì thường chỉ có thể nhìn thấy những gì trước mặt họ.
Một số người có quan điểm, công việc là làm việc cho sếp chứ không phải việc của mình. Bảo họ làm thì họ sẽ làm, không bảo làm thì họ sẽ chơi. Hết giờ làm là họ về, đến cuối tháng thì đều đặn nhận lương. Việc nào đùn đẩy được thì họ sẽ đùn đẩy, cái nào lười được thì họ sẽ lười. Nếu chỉ cần dùng 6 phần công lực để hoàn thành, họ tuyệt đối sẽ không cố gắng làm tới bảy phần.
Ở nơi làm việc, rất nhiều người có tâm lý “hạn hẹp” như vậy. Thậm chí họ còn cảm thấy tự mãn vì điều này, cảm thấy mình đang được lợi.
Nhưng có một số người lại có lối suy nghĩ hoàn toàn khác. Trong mắt họ, công việc đang làm chính là công việc của mình, không phải là làm “cho ai cả”.
Đối với họ mà nói, làm việc không đơn thuần chỉ là để có lương trang trải cuộc sống, mà còn là cơ hội để họ có thể trở nên giỏi giang hơn, bản lĩnh hơn, chờ đợi những bước phát triển tốt hơn trong tương lai.
Thậm chí một số người không cần nhận lương, nếu họ được trao cơ hội làm việc, học tập trong một môi trường chuyên nghiệp.
Tầm nhìn khác nhau thì cách suy nghĩ nhìn nhận vấn đề cũng khác nhau và đương nhiên là thái độ làm việc cũng hoàn toàn khác nhau.
Những người có tầm nhìn xa trông rộng, có suy nghĩ thấu đáo thì chắc chắn họ sẽ có một tương lai xán lạn. Họ sẽ sống một cuộc đời đầy tự tin, thông thái và trí tuệ.
2. Từ thái độ đối với công việc, có thể nhìn thấu được EQ của một người.
Trước đây từng có một độc giả nhờ tôi giúp đỡ. Cô ấy đã cãi nhau với một vị khách hàng của mình. Sau chuyện đó, lãnh đạo cho cô ấy hai lựa chọn. Một là gặp mặt tặng quà và xin lỗi khách hàng. Hai là thu dọn đồ đạc và rời đi.
Hôm đó, vốn dĩ tâm trạng cô ấy không tốt, lúc ở nhà có cãi nhau với chồng vài câu vì những chuyện vặt vãnh. Đi làm thì do khách hàng yêu cầu sửa đi sửa lại nhiều lần, cô ấy đã nổi cáu và cãi nhau tay đôi với đối phương trong lúc trao đổi qua điện thoại.
Cô ấy hỏi tôi phải xử lý trường hợp này như thế nào? Tôi đáp: “Nếu cô không muốn rời khỏi công ty, cô chỉ có thể chấp nhận hình phạt và chịu trách nhiệm cho hành động mất kiểm soát của mình.”
Ở nơi làm việc, rất nhiều người có vấn đề về thái độ làm việc. Những người này thường có ba đặc điểm chính:
Một là không thể kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân.
Hai là dễ mất thể bình tĩnh khi nói chuyện.
Ba là khả năng chịu áp lực kém.
Đây là biểu hiện của một người có trí tuệ cảm xúc thấp.
Khi nói đến trí tuệ cảm xúc, chúng ta thường lý giải nó là khả năng kết giao của một người. Thực tế, đây không phải là định nghĩa đầy đủ về trí tuệ cảm xúc, vì nó còn bao gồm khả năng “hòa hợp của bản thân”.
Những người có EQ cao thực sự sẽ không vì công việc bận rộn mà mất kiểm soát nổi cáu với mọi người xung quanh, sẽ không tùy tiện nói ra những lời khó nghe với người khác, sẽ không bất chấp hậu quả đi tìm lại công lý cho mình khi bị chèn ép, cũng sẽ không làm việc theo cảm tính…
Đằng sau sự trưởng thành và lý trí đó là sự hỗ trợ của trí tuệ cảm xúc cao, quan trọng hơn cả là thái độ của họ đối với công việc.
Trong mắt họ, công việc là một chiến trường, họ cần phải biết hành xử cẩn trọng, biết lựa chọn đúng đắn và biết cân nhắc được mất.
Công việc thậm chí còn là một nơi tu luyện, đem bản thân tu luyện đến một cảnh giới cao hơn.
Có thể làm tốt công việc mà bản thân không yêu thích, luôn cẩn thận tỉ mỉ giải quyết công việc dù là việc nhỏ nhất, ở một vị trí bình thường nhưng vẫn có thể tỏa sáng là sự tu hành của mỗi người.
3. Thái độ đối với công việc, có thể nhìn thấu bản chất của một người.
Dưới góc nhìn của sếp, bản chất sự tồn tại của nhân viên là để giải quyết vấn đề. “Tôi trả tiền cho bạn, bạn có nghĩa vụ phải làm bất kỳ việc nào tôi giao phó.”
Nói cách khác, nhân viên có nghĩa vụ phải hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề do sếp yêu cầu.
Có câu nói: “Cầm tiền của người thì phải giúp người làm việc.”
Nhưng rất nhiều người ở nơi làm việc lại không làm được điều này. Họ làm việc hời hợt qua loa, thụ động và không có đạo đức nghề nghiệp.
Nói thẳng ra, một người không thể nghiêm túc làm việc, luôn đầu cơ trục lợi thừa nước đục thả câu trong công viêc thường có vấn đề, ít nhất thì người đó không đáng tin cậy.
Người xưa có câu: “Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời.”
Nếu bản tính của một người có vấn đề thì cho dù năng lực có tốt đến đâu thì họ cũng khó lòng mà tiến xa được. Và chắc chắn những người này cũng không thể nào đạt được thành tựu cao trong cuộc sống.
Ngược lại, một người làm việc thật thà đáng tin cậy, nghiêm túc có trách nhiệm trong công việc thì cho dù không có thiên phú hay trình độ nghiệp vụ giỏi thì chắc chắn họ sẽ luôn có chỗ đứng cho mình. Cuộc sống của họ cũng không bao giờ tệ.
Sự tương phản này được quyết định bởi bản tính và nhân phẩm của một người.
Nhân phẩm là một khái niệm rất trìu tượng, không thể nhìn thấy cũng chẳng thể chạm vào, nhưng nó thực chất có tồn tại. Vào một thời khắc quan trọng nào đó, nó có thể trở thành vé thông hành của chúng ta, quyết định một người có thể tiến bao xa.
Bất kể cốt cách, trí tuệ cảm xúc hay bản tính thì chúng đều là những phẩm chất rất quan trọng ở một người. Những phẩm chất này sẽ quyết định vị trí xã hội và đẳng cấp của một người.