Theo quy định, khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở hết bao nhiêu tiền?
Ngày nay, do nhu cầu về đất ở ngày càng gia tăng nên việc chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất ở cũng được rất nhiều người quan tâm. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở hết bao nhiêu tiền?
Đất trồng cây lâu năm là gì?
Căn cứ vào Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì đất trồng cây lâu năm là một trong những loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Ngoài đất trồng cây lâu năm thì nhóm đất nông nghiệp còn có đất trồng cây hàng năm, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp khác,…
Các loại cây lâu năm được hiểu là các loại cây được gieo trồng một lần nhưng chúng có thời gian sinh trường, phát triển và thu hoạch trong nhiều năm. Theo Phụ lục số 01 được ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 14/12/2018 quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm, bao gồm các loại sau:
– Cây công nghiệp lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm dùng làm nguyên liệu để sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được như cây cao su, ca cao, cà phê, chè, điều, hồ tiêu, dừa, …;
– Cây ăn quả lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến như cây bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ, măng cụt, nhãn, sầu riêng, vải, xoài, …;
– Cây dược liệu lâu năm là cây lâu năm cho sản phẩm làm dược liệu như hồi, quế, đỗ trọng, long não, sâm, …;
– Các loại cây lâu năm khác là các loại cây lâu năm để lấy gỗ, làm bóng mát, tạo cảnh quan (như cây xoan, bạch đàn, xà cừ, keo, hoa sữa, bụt mọc, lộc vừng, …); kể cả trường hợp trồng hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm khác nhau hoặc có xen lẫn cây lâu năm và cây hàng năm.
Theo đó, đất trồng cây lâu năm là loại đất chỉ được sử dụng cho mục đích trồng các loại cây lâu năm nêu trên mà không được sử dụng với mục đích khác. Nếu người sử dụng đất muốn sử dụng đất trồng cây lâu năm với mục đích khác thì phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật hiện hành.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì, hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
Thủ tục chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở
Căn cứ quy định tại Luật Đất đai 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm thành đất ở được thực hiện theo những bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện các công việc chuyên môn
Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, xác minh trên thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và hướng dẫn người sử dụng đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Bước 3: Người sử dụng đất nộp thuế, phí, tiền sử dụng đất theo thông báo
Người sử dụng đất thực hiện đóng nộp các khoản thuế, phí, lệ phí sử dụng đất theo thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bước 4: Nhận kết quả
Sau khi đóng nộp thuế phí, lệ phí, người sử dụng đất nhận Giấy chứng nhận đã được đăng ký biến động hoặc được cấp đổi theo quy định.
Lệ phí chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất ở
Thông thường, khi thực hiện thủ tục chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở là việc người sử dụng đất kê khai, đóng nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ và các khoản chi phí hợp pháp khác khi được chuyển mục đích sử dụng đất.
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai 2013, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm (đất nông nghiệp) sang đất ở (đất phi nông nghiệp) phải được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các chi phí cụ thể khi thực hiện chuyển đổi đất trồng cây lâu năm lên đất ở bao gồm:
+ Tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất
+ Phí thẩm định hồ sơ
Khoản 11 Điều 2 Thông tư 85/2019/TT-BTC, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất là cơ quan có thẩm quyền quyết định chi phí này. Mức phí này có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Lệ phí cấp Giấy chứng nhận
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất là cấp có quyền quyết định mức thu cụ thể trong phạm vi từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC).
Khoản lệ phí này được thu trong trường hợp cấp lại, cấp mới, cấp đổi, xác nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp.
+ Lệ phí trước bạ
Đây là khoản thu được thực hiện theo Nghị định 10/2022/NĐ-CP và được thu trong trường hợp có sự thay đổi về người sử dụng đất.