Gió chướng thổi, nước mặn ngược lên, vườn trồng “cây tiền tỷ” ở Tiền Giang đang được bảo vệ ra sao?

Một Phút

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, nước trên sông Tiền, kênh Chợ Gạo, sông Vàm Cỏ hiện nay tăng rất nhanh.

Đáng lưu ý là có nhiều khu vực độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2016 như: tại cống Xuân Hòa(huyện Chợ Gạo) độ mặn đến 6,8 g/l (cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 2,14 g/l); công viên Lạc Hồng (thành phố Mỹ Tho) 4,2 g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 1,95 g/l; cầu kênh Xáng Đồng Tâm (huyện Châu Thành) 0,9 g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,33 g/l.

Gió chướng thổi, nước mặn ngược lên, vườn trồng "cây tiền tỷ" ở Tiền Giang đang được bảo vệ ra sao?- Ảnh 1.

Hiện nay, nguồn nước ngọt trong kênh rạch tại một số địa bàn của tỉnh Tiền Giang bắt đầu khan hiếm do mặn tấn công.

Đặc biệt hiện nay, nước mặn từ biển bắt đầu tấn công vào “lãnh địa” có nguy cơ uy hiếp vùng trồng vườn cây sầu riêng chuyên canh ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy theo 2 hướng của sông Tiền và sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre).

Đối với cây sầu riêng rất nhạy cảm khi phun tưới nước mặn trên 0,5 g/l thì sẽ bị chết.

Do đó, việc ngăn mặn, trữ nước ngọt để phục vụ hàng nghìn ha cây sầu riêng khu vực này đang được các cấp chính quyền, các ngành chức năng và nhà vườn quan tâm.

Trước hết, 7 hệ thống cống ngăn mặn có quy mô lớn ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Cai Lậy gồm: cống kênh Nguyễn Tấn Thành, cống Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Mù U, Hai Tân, Cái Sơn… đều đã đóng kín; tiến hành làm đập tạm ngăn mặn tại xã Tam Bình, 5 đập dã chiến tại cù lao Ngũ Hiệp; lắp đặt hơn 30 cái bọng bê tông tại xã Tân Phong huyện Cai Lậy).

Gió chướng thổi, nước mặn ngược lên, vườn trồng "cây tiền tỷ" ở Tiền Giang đang được bảo vệ ra sao?- Ảnh 3.

 

Cây sầu riêng trồng ở tỉnh Tiền Giang đang cho kinh tế cao nhưng khả năng chống chịu hạn mặn thấp.

Đối với nhà vườn trồng cây sầu riêng thường xuyên theo dõi thông tin nước mặn, có kế hoạch đóng cống, bọng cá nhân, trữ nước ngọt bên trong mương vườn.

Theo cơ quan Khí tượng thủy văn, đến giữa tháng 5 tới, mới bước vào mùa mưa, do đó tình hình mặn xâm nhập và nắng nóng, khô hạn còn tiếp diễn; trong đó vườn sầu riêng cần được ưu tiên bảo vệ.

Ông Dương Văn Đây, chủ hơn 2,5 ha vườn cây sầu riêng đang cho trái tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Tôi đã đóng cống hết, sợ nước mặn rỉ vào nên phải đóng trước, dự trữ nước ngọt bên trong nếu không xả nước thì đủ tưới 15 ngày. Sau đó, nếu không có nước cấp thì phải mua nước từ sà lan lấy miệt trên về. Tôi đang khống chế được”.