Cùng với những nguyên tắc quản lý tài chính cơ bản buộc phải nắm rõ, thành công cùng sự giàu có luôn chờ đợi những người biết cố gắng, phấn đấu, kiên trì.
Bill Gates từng nói: “Sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi của bạn, nhưng chết trong nghèo khó thì đó hoàn toàn là lỗi của bạn”. Thành công cùng sự giàu có luôn chờ đợi những người biết cố gắng, phấn đấu.
Để giàu, trước hết có lẽ bạn cần học cách suy nghĩ và hành động như một người giàu có đã. Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo?
Câu trả lời nằm ở cách bạn quản lý tiền bạc. Thực tế, hầu hết mọi người không nhận ra rằng, trong cuộc sống, vấn đề không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn giữ được bao nhiêu tiền và làm cho nó sinh sôi nảy nở như thế nào.
Để có thể quản lý tiền bạc hiệu quả, cải thiện khả năng kiếm tiền của bản thân, bạn cần nắm vững 2 nguyên tắc dưới đây.
Nguyên tắc 1: Bạn phải biết sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản, và để giàu có, bạn phải mua tài sản
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng hầu hết mọi người không biết được sự khác nhau giữa một tài sản và tiêu sản ở đâu.
Ông Robert Kiyosaki – tác giả cuốn sách nổi tiếng “Cha giàu, cha nghèo” định nghĩa: “Tài sản là những gì bỏ tiền vào túi bạn” và “tiêu sản là những gì lấy tiền ra khỏi túi bạn”.
Cụ thể, tài sản là những thứ sẽ tạo ra lợi nhuận cho bạn, làm cho thu nhập của bạn tăng lên, ví dụ như các chứng khoán sinh lãi, các bất động sản cho thuê, các hàng hóa kinh doanh có lời…
Tiêu sản là những thứ chỉ làm tăng chi phí cho bạn. Ví dụ như các khoản vay nợ tín dụng để tiêu sài, các thiết bị tiêu tốn năng lượng chỉ nhằm mục đích giải trí như xe hơi, điện thoại di động đắt tiền, túi hiệu, quần áo đắt tiền.
Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hãy mua tài sản. Và ngược lại, nếu muốn trở nên nghèo đi, hãy mua tiêu sản.
Nguyên tắc 2: Bạn cần tạo nhiều nguồn thu nhập
Không chỉ sinh viên mà những người đã đi làm và có công việc hành chính cũng nên đa dạng hóa nguồn thu nhập. Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế và lạm phát như hiện nay, bạn cần có cả nguồn thụ nhập chủ động và thụ động.
Thứ nhất là thu nhập chủ động. Đây là nguồn thu đến từ công việc toàn thời gian hoặc bán thời gian. Bạn đánh đổi thời gian và công sức ra để lấy tiền bạc, một cách công bằng và sòng phẳng. Thứ hai là thu nhập thụ động. Đây là những khoản thu nhập đến từ việc đầu tư như chứng khoán, bất động sản, kinh doanh…
Hiểu một cách đơn giản, một nguồn thu nhập sẽ giúp bạn tồn tại. Nhưng để sống khỏe, sống tốt bạn nên có nguồn thu nhập thứ hai, thứ ba. Nguồn thu nhập này nâng đỡ nguồn thu nhập kia và đem lại cảm giác an toàn cho bạn.